dimanche 14 septembre 2008

Revue de presse 2

Gần lắm quê hương
Thứ bảy , 13 / 9 / 2008, 8: 33 (GMT+7)

Đoàn kiều bào từ Nouvelle - Calédonie (Tân Đảo) đang có những ngày hạnh phúc trên quê hương. Họ về thăm quê cha đất tổ sau nhiều năm tháng ở phương xa hướng về quê nhà.

Mang những tên không thể... Việt hơn, song đến tận tháng chín vừa qua họ mới có dịp về thăm quê hương lần đầu tiên. Chuyến về quê do Hội Ái hữu VN tại Nouvelle-Calédonie (Tân Đảo) tổ chức với thành phần thật đặc biệt: dâu Tây, rể Tây và những đứa trẻ mang hai dòng máu Pháp - Việt.

Những ngày đầu tiên ở quê hương với những thành viên đoàn kiều bào thật đặc biệt. Hầu hết trong số họ chưa một lần về VN nên ai nấy đều cố gắng ghi lại thật nhiều, tận hưởng thật nhiều không gian, hình ảnh, bóng dáng quê hương qua từng danh lam thắng cảnh, đồ vật và thậm chí là… một bát canh cua.


Bà Thìn (64 tuổi) thích nhất món canh cua khi về quê cha. Bà xúc động: “Tôi sinh ra ở Tân Đảo, hơn 60 năm mới được về quê hương đất tổ song tôi vẫn thường xuyên nấu món ăn VN cho các con. Tôi thích nhất món canh cua, nhưng lần đầu tiên được ăn món này tại quê mình vẫn thấy có vị đặc biệt mà bên kia không có được”.


Trong lòng quê mẹ.

Những ngày ở Hà Nội, chị Quế và các chị em khác rủ nhau đi đặt may ngay áo dài cho mình và mua vải áo dài để làm quà cho người thân bên đó. Xúng xính trong chiếc áo dài VN, chị khoe: “Bên đó mọi người cũng mặc áo dài truyền thống VN vào những ngày lễ tết. Trước khi về nước, chị em bảo nhau chuẩn bị sẵn áo dài phòng khi về VN chưa mua được. Bên đó cũng có áo dài nhưng cả vải và cách may không được đẹp như ở bên này”. Chị vẫn tiếc vì vải mua về sẽ may không được đẹp như ở VN. Chị rủ rỉ: “Giờ thứ gì ở đâu cũng có nhưng cái gì là đặc trưng của quê mình vẫn không đâu đẹp bằng. Mua quà cho người thân tôi cũng chọn những thứ đặc biệt thì người thân mới thích như áo dài, nón, túi xách có thêu hình cô gái VN hoặc những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở VN”.

Tại Bảo tàng Dân tộc học VN ở Hà Nội, chị Xuân Mai như dính chặt với những sản phẩm tranh thêu tay nghệ thuật. Chị chia sẻ: “Chúng rất tinh tế, điều này thể hiện người Việt mình thật khéo léo. Con gái tôi tên Lụa, cũng theo học lớp thêu ở bên đó, nhìn thấy những bức thêu này chắc sẽ rất thích. Tôi phải tranh thủ đi mua vài bức về cho cháu và các bạn nó.

Chị Hồi - phó chủ tịch Hội Ái hữu VN - và chị thư ký hội tất bật ra phố Hàng Mã mua đồ trung thu. Chị như trẻ ra vài tuổi: “Tôi và chị thư ký hội đã dành thời gian đi mua một thùng to đồ trang trí, đèn lồng, đèn ông sao… dự trữ đủ cho mấy năm liền tổ chức trung thu cho các cháu. Các cháu thiệt thòi chưa được về thăm quê hương bao giờ nên rất cần có những hoạt động gắn kết các cháu với nguồn cội. Hằng năm trung thu các cháu nhỏ đến rất đông, có cả người Pháp nữa nên phải chuẩn bị kỹ”.

Tới thăm làng Hòa Bình Thanh Xuân, cả đoàn ai cũng xúc động bùi ngùi khi được hơn 20 em nhỏ - những đứa trẻ mà theo như bác sĩ Nguyễn Thanh Phương, giám đốc làng, cho biết là “có trí tuệ nhất”, có khả năng đi lại và hoạt động tốt nhất - tuy bất hạnh nhưng vẫn hát vang lời hát “em không buồn đâu” để tiếp đón đoàn. Xót xa đồng cảm, đoàn quyết định rất nhanh: cam kết sẽ hỗ trợ hằng năm và nhận đỡ đầu cho các bé ở làng trẻ Hòa Bình.

Nước Việt giữa lòng Thái Bình Dương

Cộng đồng người Việt ở Tân Đảo và Vanuatu giữ được bản sắc chính vì biết đoàn kết và gìn giữ cội nguồn. Chị Mai chia sẻ: “Tuy không được sinh ra và lớn lên ở trong nước nhưng hầu hết người Việt ở Tân Đảo và Vanuatu đều có nhiều sinh hoạt như ở VN. Đặc biệt, các gia đình có bố hay mẹ người Việt đều đặt tên cho con mang đậm chất Việt như Quế, Thìn, Xuân Mai, Hùng… Các gia đình vẫn dùng tiếng Việt và dạy con tiếng Việt, ăn món ăn Việt như một cách duy trì mối dây
Tất cả các ngày lễ của VN, cộng đồng đều tổ chức họp mặt để kỷ niệm tại Nhà Việt Nam - ngôi nhà sinh hoạt chung của Hội Ái hữu VN, thành lập năm 1974. Hội Ái hữu còn ra được nội san Ái Hữu VN mỗi quý một lần, đưa các thông tin về VN và các tin tức chung. Chị Hồi kể thêm: “Từ thời ông bà tới giờ, hằng năm tết đến chúng tôi cũng mổ lợn, làm giò chả, giò lụa và các món ăn trong dịp tết cổ truyền, tổ chức họp mặt, động viên thăm hỏi những bậc cao niên”.

Từ khi các phương tiện liên lạc và vận chuyển giữa hai bên dễ dàng hơn, mối dây cộng đồng càng thắt chặt. Anh Ngân, ngụ tại Hà Nội, chi hội trưởng chi hội liên lạc với người VN ở Tân Đảo và Vanuatu, tiết lộ: “Mỗi dịp lễ tết, trung thu tôi đều gửi đồ VN sang Hội Ái hữu để tổ chức cho cộng đồng mình được sinh hoạt chung trong không khí đậm chất Việt”.

Giữ văn, giữ võ

Hội Ái hữu cũng tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em nhiều lứa tuổi, có trường dạy Việt võ đạo thu hút rất nhiều trẻ em. Anh Ất, nói tiếng Việt lưu loát, khoe: “Đấy là tôi không tham gia một lớp học tiếng Việt nào ở Hội Ái hữu, nhưng từ bé bố mẹ đã dạy cho tiếng Việt rồi và vẫn sử dụng khi giao tiếp với người Việt. Con và cháu tôi, tôi đều cho học ở lớp dạy tiếng Việt của Hội Ái hữu, không thì chúng nó quên tiếng mẹ đẻ mất vì tới trường toàn nói tiếng Pháp”.

Bé Lựu, thành viên nhí nhất đoàn, đang tham gia lớp học tiếng Việt ở Hội Ái hữu nhưng chưa thạo giao tiếp. Qua phiên dịch viên là... bà của mình, Lựu háo hức nói chưa biết sẽ thích nhất nơi nào vì em muốn đi tất cả mọi nơi ở VN.

Chuyến đi mở đường gửi gắm bao tâm sự và mong ước của cộng đồng kiều bào nhỏ nhoi đó. Chị Hồi trăn trở: “Cộng đồng người Việt mình bên đó rất tha thiết có một văn phòng đại diện Chính phủ mình để đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng và mong muốn có những chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa dân gian VN như chèo, ca trù, quan họ, tổ chức sinh hoạt theo phong tục Việt… để truyền bá và nhân rộng hơn nữa những nét văn hóa Việt tại một nơi cách xa Tổ quốc nhưng có đồng bào luôn da diết hướng về quê nhà”.

HOÀNG MAI - NHƯ QUỶNH

Với nhiều người trong đoàn kiều bào tại Tân Đảo, về nước lần này là dịp hội ngộ với người thân sau bao năm xa cách. Cả gia đình chị Quế gồm năm người về đợt này đã tách đoàn hai ngày để về Thái Nguyên thăm gia đình và người thân. Anh Ất có người chị gái ở Nam Định vì được sinh ra tại hai đất nước khác nhau và chưa có dịp hồi hương nên chưa một lần gặp mặt. Chuyến đi chính thức của đoàn là 15 ngày, anh Ất xin ở lại thêm năm ngày để về Nam Định thăm chị gái. Chị Hồi kể lại khó khăn của cha mẹ chị - những người mộ phu trong ngày đầu tới Tân Đảo: “Cha mẹ đi làm khổ lắm. Vì là người lao động nên không có quyền gì, không được đối xử bình đẳng như người dân bản xứ, có khi còn bị đánh đập nếu không làm theo lời chủ. Nói đúng ra lúc đó ở bên Tân Đảo cuộc sống đã ổn định, ở VN đang có chiến tranh, nhưng sau năm năm ở bên đó cha mẹ tôi cứ nhất định về nước, nói là muốn về với quê hương mình. Vậy là ông bà đưa hết anh chị em tôi về nước, chỉ có tôi là “cứng đầu” không về. Giờ về lại VN thấy đất nước thay đổi nhiều, khang trang lên nhiều”.


(Theo TTO )

1 commentaire:

Unknown a dit…

Chào anh,
Em gửi anh thông tin tổng thể dự án (mặt bằng, giá, phương thức thanh toán) cùng với hình ảnh chụp thực tế tại dự án.
Anh xem qua trước giúp em.
Khi nào bên công ty có mẫu hợp đồng mua bán chính thức em sẽ gửi anh trong thời gian sớm nhất.
Cảm ơn anh rất nhiều! Có gì anh liên hệ em để em hỗ trợ anh.
Liên hệ: Call, Zalo, Viber: 0973 747 011
hoặc 0938 78 2504 (Ngọc Hân)